Love in a fallen city – Trương Ái Linh



Một mùa hè phải giam chân trong bốn bức tường vì dịch bùng phát trở lại khiến tôi siêng đọc sách hơn và lựa đọc những cuốn mà trước đó tôi không nghĩ mình sẽ cầm nó trên tay. “Love in a fallen city” của Trương Ái Linh là một trong số đó. Tôi không thích tựa đề bản Việt “Chuyện tình giai nhân” bởi nó có vẻ chẳng liên quan gì đến nghĩa gốc cả. Tôi thích cái tên “Khuynh thành chi luyến” hơn rất nhiều nhưng tìm trên mạng toàn ra tên của một cuốn đam mỹ nào đó. Thế nên để y nguyên “Love in a fallen city” có vẻ là sự lựa chọn an toàn hơn cả.

Cuốn sách là tập hợp một số truyện ngắn và tiểu thuyết của Trương Ái Linh, theo thứ tự là: Vụn trầm hương (Aloeswood Incense), Trà hoa nhài (Jasmine Tea), Love in a fallen city (Khuynh thành chi luyến), Cái gông vàng (The Golden Cangue), Phong tỏa (Sealed off) và Hoa hồng đỏ, hoa hồng trắng (Red rose, white rose). Tất cả các tác phẩm đều được kể từ ngôi thứ ba, và hầu hết bắt đầu bằng một lời dẫn khiến người xem rất tò mò về nội dung câu chuyện. Giọng văn của Trương Ái Linh có chút gì đó rất ma mị, lắm lúc làm tôi cảm giác cứ lâng lâng trong những khung cảnh hữu tình mà bà phác lên xung quanh các nhân vật chính. Nữ nhà văn cũng đã rất thành công trong việc tái hiện lại xã hội Trung Quốc, hay đúng hơn là tầng lớp trung/thượng lưu trong xã hội Trung Quốc nửa đầu thế kỉ 20.

Tôi từng đọc qua một list các nhà văn ngôn tình nổi tiếng của Trung Quốc và trong đó tên của bà chễm chệ ở đầu bảng. Ngẫm lại thì thấy thật là một sự sỉ nhục cho Eileen (tên tiếng Anh của Trương Ái Linh) nếu ngôn tình được hiểu theo cách thông thường về một câu chuyện hường phấn giữa một anh tổng tài và một cô nàng lọ lem. Đúng, Trương Ái Linh thường viết về tình yêu, nhưng thứ tình yêu của bà có chút thơ mộng nhưng cũng thấm đẫm sự đau khổ, tuyệt vọng và trần trụi như chính cuộc sống riêng của bà. Các nhân vật chính hầu hết đều xuất thân hoặc đang thuộc tầng lớp trung cho đến thượng lưu nhưng không vì thế mà họ không bị trói buộc bởi tiền tài và địa vị. Có người được một lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài nhưng gia đình lại xào xáo vì chuyện tiền bạc, có kẻ thì tiền tài rủng rỉnh, chỉ khao khát mỗi cái địa vị trong một xã hội phong kiến nửa mùa nặng mùi giai cấp. Những nhân vật nữ chính đều bị những lề thói và định kiến đương thời đè nén đến ngợp thở, ngăn cản họ tìm được hạnh phúc và sống là chính mình. Họ luôn cảm thấy mình yếu thế khi đứng trước cánh đàn ông và luôn cố ý hạ thấp bản thân mình trước mặt phái kia!? Các nhân vật nam hầu hết là những kẻ Tây hóa phong tình thích chơi đùa với phụ nữ, nếu không thì cũng là những người đàn ông chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng phong kiến – đầy gia trưởng và độc đoán.

Đôi lúc tôi cảm thấy các nhân vật chính trong “Love in a fallen city” là từng mảng màu trong chính con người của Trương Ái Linh: một chút dại khờ trong tình yêu với Hồ Lan Thành như Cát Vi Long (Ge Weilong), chút thực tế của một con người từng trải qua đổ vỡ như Bạch Lưu Tô (Bai Liusu) hay thêm chút oán giận cuộc đời vì một tuổi thơ thiếu vắng tình yêu thương của người cha như Nhiếp Trùng Khánh (Nie Chunnqing). Nữ nhà văn dành cho mỗi nhân vật một câu chuyện riêng cũng như dành cho mỗi góc trong tâm hồn bà một cơ hội để giãi bày. Vậy thì, hãy cùng tôi điểm qua một vài nét cảm nhận của riêng tôi về mỗi tác phẩm này nhé.

1. Vụn trầm hương: Lư hương thứ nhất

Đây là câu chuyện đầu tiên trong tập truyện và vì thế, tôi có một ấn tượng cực kì sâu sắc với nó. Một câu chuyện mà tôi đã đọc một cách ngấu nghiến, tò mò không biết nó có kết thúc một cách êm đẹp theo kiểu bad boy quay đầu về với good girl hay không, nhưng rồi nó đã làm tôi chưng hửng với một cái kết lửng lơ và cực kì khó chịu. Cát Vi Long là một cô gái đáng thương nhưng không đáng được thông cảm. Cô gái non nớt trước giờ được bảo bọc kĩ càng nay hoàn toàn ngập trong men say tình ái nhưng tiếc thay, người mà cô yêu say đắm không hề đáp trả tình cảm của cô. Như một chú chim lần đầu được ra khỏi lồng, nó dành hết sức mình để đắm chìm vào thiên nhiên rộng lớn ngoài kia nhưng không ai nói cho nó biết rằng tự do cũng đi kèm với rất nhiều cạm bẫy. Và chú chim non ấy đã không thể tránh khỏi chúng.

Kiều Kỳ Kiều đương nhiên không phải là loại tử tế tốt đẹp gì. Nhưng anh ta rất thẳng thắn và không hề che giấu sự phong lưu của bản thân mình: “Vi Long, anh không thể hứa hẹn một cuộc hôn nhân với em, anh cũng không hứa mình sẽ yêu em. Tất cả những gì anh có thể dành cho e là sự hạnh phúc.” Và Kỳ Kiều rốt cuộc đã làm gần như chính xác những gì mình nói: anh ta dường như vẫn không thể yêu Vi Long, nhưng việc bước vào cuộc hôn nhân với cô đã làm cho cô gái bé nhỏ này thực sự hạnh phúc, dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi.

Vi Long và Kỳ Kiều, hai con người tưởng chừng như không hợp nhau: Vi Long quá non nớt còn Kỳ Kiều lại là một kẻ lọc lõi không làm mà muốn có ăn; thực ra nên về với nhau. Vì thật sự chỉ có Vi Long mới chấp nhận đi tiếp khách cho người cô của mình (mà thực chất là không khác gì làm gái cao cấp) chỉ để thỏa mãn nhu cầu tiêu xài của Kỳ Kiều, và cũng chỉ có Kỳ Kiều mới chấp nhận để vợ của mình bán thân nuôi mình mà không sợ thiên hạ chỉ trỏ cười cợt mình dù lòng tự ái của đàn ông thường cao hơn phụ nữ rất nhiều.

Đoạn kết của câu chuyện gợi mở một tương lai không mấy tươi sáng cho Vi Long. Làm sao có thể so sánh cô với những cô gái đứng bên kia đường được chứ, vì họ không có lựa chọn nào cả, còn Vi Long, lại tự nguyện dấn thân vào con đường không thể quay lại ấy.

2. Trà hoa nhài (Mạt lị hương phiến)

Đây là một câu chuyện ngắn có yếu tố tình yêu, nhưng không phải tình yêu của nhân vật chính, và cũng không phải yếu tố chính của tác phẩm. Nhiếp Trùng Khánh, chàng sinh viên đến từ một gia đình giàu có từng bước bị nhấn chìm trong những ảo mộng, trong những câu hỏi “nếu như” của chính mình – một hệ quả đến từ bi kịch tình yêu của thế hệ trước. Sự ghẻ lạnh mà Trùng Khánh phải nhận từ cha mình đã khiến anh điên cuồng tạo ra những câu hỏi, những cái kết đẹp sẽ diễn ra nếu như mẹ anh và cha Đan Châu đến được với nhau. Càng tưởng tượng, anh càng căm ghét Đan Châu, căm ghét cái hạnh phúc đáng lẽ anh mới là người được hưởng, để rồi trong lúc nóng giận, anh đã trút hết nó lên người cô. Anh muốn giết chết cô, kẻ đánh cắp hạnh phúc của anh; nhưng rồi, không biết là vì nhân tính đã chiến thắng hay vì quá sợ hãi để đối mặt với tội danh giết người, Trùng Khánh bỏ chạy. Nhưng anh nào trốn chạy được mãi, khi anh vẫn sẽ thấy cô xuất hiện trên giảng đường trong những ngày tiếp theo.

Tôi đã thảng thốt khi đọc đến đoạn một gã thanh niên hai mươi tuổi, trên một ngọn núi hoang vắng giữa thời tiết lạnh run người, nhẫn tâm muốn đá chết một cô gái chân yếu tay mềm đang nằm co quắp trên nền đất lạnh. Hành động của Trùng Khánh chính là bi kịch được tạo nên từ thứ hôn nhân không tình yêu, từ thứ được gọi là môn đăng hộ đối. Những quan niệm xưa cũ đã giết chết một mối tình đẹp và phá hủy cuộc đời của không chỉ một mà cả hai thế hệ. Với một người bất ổn tâm lý như Trùng Khánh, chuyện xảy ra trên núi đêm hôm ấy có lẽ sẽ ám ảnh anh cả đời. Nhưng bi kịch của anh nào có dừng ở đó. Khi người mẹ kế cho rằng đã đến lúc tìm cho anh một người vợ, cuộc đời Trùng Khánh đã bước vào vòng lặp của chính mẹ mình.

3. Khuynh thành chi luyến

Đây là tác phẩm vinh dự được chọn làm tiêu đề cho cuốn sách, và cũng là câu chuyện kết thúc có hậu hiếm hoi của Trương Ái Linh. Nhưng cũng chính vì đẹp và yên bình hơn những truyện khác nhiều nên tôi không có ấn tượng sâu sắc với nó.

Nhưng cũng tương tự như các tác phẩm khác của bà, ẩn sau chuyện tình lãng mạn là lời tố cáo một xã hội cổ hủ, nơi mà những người phụ nữ từng li dị như Bạch Lưu Tô bị xem như nỗi ô nhục của gia đình và bị tìm cách tống ra khỏi nhà. Đáng buồn thay, quan niệm đó vẫn còn tồn tại đến tận bây giờ, dù có phần bớt gay gắt hơn trước. Người ta không chỉ công kích những người phụ nữ từng li dị mà còn chế nhạo những gã trai tân như Lưu Nguyên.

Có một thứ tôi không thích ở câu chuyện này và thấy nó có phần hơi không thực tế, đó là diễn biến tình cảm của hai nhân vật chính. Họ gặp nhau lần đầu trong buổi xem mắt của em gái Lưu Tô, sau đó Liễu Nguyên ngay lập tức có ấn tượng với cô, điều này không có gì khó hiểu. Nhưng sau đấy mọi thứ diễn tiến quá nhanh, chỉ thêm vài lần gặp gỡ nữa, Liễu Nguyên đã nói yêu cô. Ở phía bên kia, Lưu Tô lại vô cùng thận trọng. Cô hiểu địa vị của một người đã từng qua một lần đò trong gia đình và xã hội; vì thế, dù chưa hẳn yêu Lưu Nguyên, cô vẫn chấp nhận đi theo anh vì ít nhất cô cũng được thoát khỏi gia đình mình. Anh như chiếc phao cứu sinh mà cô phải bám lấy cho bằng được. Đọc những lời tự sự trong thâm tâm của Lưu Tô, tôi cảm thấy chua xót biết bao. Cuộc đời của Lưu Tô, hay có lẽ là tất cả những người phụ nữ thời ấy đều được định giá trị thông qua đức lang quân của họ. Lưu Tô bị gia đình và người đời ghẻ lạnh vì mang tiếng bỏ chồng và cô muốn lấy lại danh tiếng và địa vị của mình thông qua kết hôn với một người đàn ông giàu có khác.

Đến cuối truyện, khi đã trải qua khoảnh khắc sinh tử cùng Lưu Nguyên, có lẽ trái tim của Lưu Tô đã thực sự rung động. Cuộc hôn nhân thứ hai của Lưu Tô dường như yên ấm hơn, cô cũng may mắn hơn những người phụ nữ khác nhiều, nhưng vẫn không thể thoát khỏi vòng xoáy của việc buộc chặt giá trị của bản thân vào người đàn ông bên cạnh mình.

4. Cái gông vàng (Kim tỏa ký)

Đây có lẽ là câu chuyện bi kịch nhất trong tuyển tập này của Trương Ái Linh. Bi kịch chẳng phải vì nam nữ chính yêu nhau nhưng bị cái chết chia lìa hay bị gia đình cấm cản. Sự bi kịch ở đây diễn ra một cách từ từ, chậm rãi nhưng dai dẳng, kéo từ đời này sang đời kia. Nếu trong “Trà hoa nhài” hay “Vụn trầm hương”, người ta chỉ suy đoán một kết cục không mấy tốt đẹp cho nhân vật chính thì trong “Cái gông vàng”, toàn bộ cuộc đời của Thất Xảo được Eileen phơi bày rõ ràng, không một chút che đậy.

Khi đọc những trang đầu tiên của truyện, tôi cứ ngỡ nhân vật chính sẽ là mợ Cả hoặc mợ Ba và câu chuyện tình đầy lâm li bi đát của họ trước khi được gả vào nhà họ Khương. Sau đó, khi biết là mợ Hai, tôi nghĩ ắt hẳn tác giả sẽ đi sâu vào nội tâm của Thất Xảo để giải thích cho những hành động vô phép vô tắc, lời nói bỗ bã của cô. Nhưng chờ mãi chờ mãi vẫn chưa thấy đoạn cảm động thì đã hết truyện, bỏ lại cho tôi một nỗi căm ghét và khinh bỉ đến cùng cực dành cho nhân vật này.

Thất Xảo xuất thân không cao, chỉ là con nhà buôn nhưng lại được gả vào nhà họ Khương cũng tạm gọi là cao quý. Nhưng làm gì có bữa trưa nào miễn phí, nhà họ Khương chấp nhận Thất Xảo về làm dâu chẳng qua là để về hầu hạ cậu con trai ốm đau quặt quẹo, làm bạn với giường quanh năm suốt tháng. Bi kịch của cuộc đời cô và sau này là những đứa con cũng bắt đầu từ đấy.

Cuộc đời Thất Xảo đúng là không mấy tươi đẹp. Cô phải ở với người chồng bệnh tật trong khi lại yêu em chồng. Cô bị gia đình chồng khinh thường vì xuất thân thấp kém. Như lời của người chị dâu thì, từ một cô gái có chút cứng đầu nhưng vẫn biết ăn nói có chừng mực, Thất Xảo biến thành một người đàn bà chua ngoa, ăn nói không ra đâu vào đâu. Nhiều lúc cô tự hỏi nếu ngày xưa được gả cho mấy người từng theo đuổi cô, cô tuy sẽ không được sống trong gia đình giàu có như bây giờ nhưng chắc chắn sẽ hạnh phúc hơn. Chỉ đến khi mẹ chồng và chồng mất, Thất Xảo mới có cơ hội được giải thoát.

Nhưng rồi, cô không chịu nắm lấy cơ hội đó và sống một cuộc đời tốt đẹp hơn. Thay vào đó, Thất Xảo biến cuộc đời của những đứa con cũng trở nên bi kịch như mình, phải chăng phần nào đó vì cô ghen tị với chúng? Cô đưa Trường Bạch vào con đường nghiện thuốc phiện, và đối xử với con dâu thậm chí còn cay nghiệt hơn mẹ chồng đối xử với cô ngày xưa. Nhưng sự khốn nạn của Thất Xảo phải kể đến việc cô phá hỏng cả đời Trường An ra sao. Vì cái miệng chua ngoa của mẹ mà Trường An không dám đi học, vì sự cổ hủ của mẹ mà Trường An phải đi bó chân. Và vì sự nghi ngờ thái quá, lúc nào cũng sợ người khác dòm ngó gia sản nhà mình mà Thất Xảo đã chặt đứt đi niềm hi vọng, ánh sáng hiếm hoi xuất hiện trong cuộc đời Trường An – Đồng Thế Phương. Thất Xảo làm mọi việc là vì sự bảo vệ con một cách mù quáng sao? Phần lớn là vậy, nhưng xen lẫn trong đó là chút ghen tị với chính con gái của mình. Tại sao Trường An được sinh ra trong thời đại mà tục bó chân đau đớn không còn là mốt thời thượng nữa? Tại sao con bé lại tìm được người mình yêu và cũng yêu mình? Chính Thất Xảo, chứ không phải nhà họ Khương hay xã hội phong kiến gì đó, mới là người phá nát một cuộc đời vốn dĩ tươi đẹp của Trường An.

Thất Xảo chết đi rồi, nhưng những hậu quả mà bà đã gây ra vẫn còn đó. Rồi thêm ba mươi năm nữa, ai biết được con trai của Trường Bạch hay nếu Trường An sau này có một đứa con, liệu chúng có bước vào vết xe đổ của người đời trước nữa không?

5. Phong tỏa

Đây có lẽ là câu chuyện thú vị, ít bi kịch và đời thường nhất đối với tôi trong tuyển tập này. Một câu chuyện về những con người mà bạn có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu, và vì nó khiến tôi tìm thấy mình trong đó nên sự nhạt nhẽo bất ngờ của nó khiến tôi lập tức hứng thú.

Lấy bối cảnh là một chuyến xe điện ở Thượng Hải giữa lúc một cuộc không kích đang diễn ra, truyện mô tả lại từng tí một nội tâm của hai nhân vật chính Wu Cuiyuan và Lu Zongzhen (thứ lỗi khi tôi không thể tìm ra bản phiên âm tiếng Việt của hai cái tên này). Đây là đại diện cho những con người hết sức bình thường trong xã hội – một anh kế toán đã có vợ con và một cô giáo trẻ xuất thân từ gia đình tương đối cao quý. Giữa lúc chiếc xe điện phải đứng im vì cuộc đổ bộ bất ngờ của quân Nhật, họ đã tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn và vẽ ra một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đầy cảm xúc.

Nói sao nhỉ, tôi cảm thấy bị thu hút một cách kì lạ vào câu chuyện này vì tôi có thể hiểu được phần nào đó những suy nghĩ của Cuiyuan. Cuiyuan, Zongzhen và có lẽ là cả những người khác trên chuyến xe ấy, ai cũng như ai, bị cuốn vào cuộc chiến cơm áo gạo tiền. Mỗi người đều mang một gương mặt “cố tỏ ra là mình ổn” nhưng sâu bên trong, không ai biết họ đang nghĩ gì. Ai cũng cố gắng kiếm một thứ gì đó để bận bịu trong lúc đợi chiếc xe khởi động trở lại, và bất ngờ thay, dường như không mấy ai lại đặt chuyện chiến tranh – thứ đã khiến chuyến xe của họ phải dừng lại vào trong tâm trí. Họ đã đủ bận bịu và mệt mỏi với cuộc sống thường ngày, với việc phải tuân theo những lề lối của xã hội. Họ không đủ thời gian và hơi sức để lo lắng đến những vấn đề đao to búa lớn hơn. Cuiyuan nghĩ về bài văn cô chấm điểm A dù cô biết không hề xứng đáng, chỉ bởi vì nam sinh viết bài văn ấy dường như thấu hiểu cô. Còn Zongzhen lại chán nản về cuộc hôn nhân nhạt nhẽo của mình. Và tôi, có những lúc ngồi trên xe bus, cũng tự hỏi việc lúc nào cũng chạy đua, cũng mải miết vượt lên người khác có mệt mỏi không? Tôi tự hỏi cuộc đời chẳng lẽ cứ trôi đi như vậy: đi học, đi làm, rồi kết hôn, sinh con. Tôi chán ghét cuộc sống ngày thường, nơi tôi bị cuốn vào cuộc chiến vô tận của xã hội, bị áp lực đè nặng nhưng không dám tâm sự với ai cả vì sợ bị cho là yếu đuối, sợ bị người ta nắm được điểm yếu của mình.

Nhưng rồi những suy nghĩ ấy cũng chỉ thoáng qua trong chốc lát, và cuộc chiến ấy dù có mệt mỏi và vô vị đến mức nào thì tôi vẫn phải quay lại đường đua, tiếp tục chạy để đạt được những thứ mà xã hội gán lên chúng hai chữ “thành công”. Cuiyuan và Zongzhen cũng vậy, có lẽ trong một thoáng bất cần đời, họ muốn bỏ lại tất cả để đến với nhau, nhưng rồi hiện thực đã kéo họ lại, để họ tiếp tục làm tròn bổn phận của mình với gia đình, để tiếp tục cuộc sống nhàm chán ấy. Thực ra tôi không cho rằng họ “were in love” như Trương Ái Linh đã mô tả. Tôi không tin vào tình yêu sét đánh, huống chi cả Cuiyuan và Zongzhen cũng không phải những người đẹp nghiêng nước nghiêng thành khiến người ta đổ gục sau một lần gặp gỡ. Tôi tin đó chỉ là một phút yếu lòng khi tìm thấy một tâm hồn đồng điệu khiến họ có cảm giác được thấu hiểu. Khi lý trí bắt đầu lấy lại thế thượng phong trước tình cảm, họ sẽ hoàn hồn lại mà thôi.

Đến cuối cùng, tác giả mập mờ về việc liệu toàn bộ cuộc gặp gỡ phải chăng chỉ là những suy nghĩ vẩn vơ trong đầu của Cuiyuan, rằng Thượng Hải đã ngủ gật trong chốc lát và mơ một giấc mơ viển vông. Eileen cứ úp mở như thế mà kết thúc câu chuyện, để tùy ý bạn đọc thỏa sức tưởng tượng. Đọc xong câu chuyện, tôi cứ thẩn thơ suy nghĩ, biết đâu cũng trên một chuyến xe vào một ngày đầy mệt mỏi nào đó, tâm hồn tôi cũng bị phong tỏa để tôi thoát khỏi cuộc sống ồn ào, náo nhiệt và giả tạo ngoài kia dù chỉ một chút mà thôi.

6. Hoa hồng đỏ, hoa hồng trắng

"Có lẽ mỗi người đàn ông đều từng có hai người phụ nữ như vậy, ít nhất là hai. Cưới hoa hồng đỏ, lâu dần, hoa đỏ trở thành vệt máu của con muỗi dính trên tường, hoa trắng vẫn là “trăng sáng treo đầu giường”; cưới hoa hồng trắng, hoa trắng chỉ còn là hạt gạo vương trên quần áo, hoa đỏ lại trở thành nốt chu sa trong lòng."

                                                                                                             -Trương Ái Linh-


Tôi biết đến câu nói trên khá lâu trước khi tôi cầm trên tay cuốn sách này, tôi nghe cả hai bài “Hoa hồng đỏ”, “Hoa hồng trắng” của Trần Dịch Tấn vài tháng trước khi tôi đọc câu chuyện. Nói thế để mọi người hiểu câu nói này phổ biến như thế nào, và tôi rất thích câu nói này vì nó đúng, có lẽ là với cả hai giới.


Chấn Bảo xuất thân từ một gia đình nghèo nhưng anh ta không muốn làm một con buôn nhỏ lẻ sống qua ngày. Anh ta muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó bần hàn, và may thay thời thế đã ủng hộ anh ta, khi Trung Quốc dần thoát khỏi chế độ phong kiến (chí ít ngoài mặt là như thế), anh ta được trao cơ hội ra nước ngoài du học. Có lẽ chính cái xuất thân và thời đại anh ta sống đã tạo nên tư tưởng và tính cách của anh ta. Anh ta tự nhận mình là người sống lý trí,muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo. Anh ta muốn được người đời, dù đó là người lạ hay chính anh em, vợ và cả mẹ anh ta cũng phải nể trọng một con người hào sảng, giỏi giang, cương trực như anh ta mặc cho bên trong đó là một tâm hồn mục ruỗng, một thứ nhân cách tốt đẹp nửa mùa, một bản chất tham lam và hèn hạ.

Chấn Bảo nghĩ mình rất lí trí khi đã từ chối lời mời gọi của Hồng Hoa, nhưng cũng chính con người lý trí đó đã lao vào cuộc tình với Kiều Nhụy, cho đến khi cô ta sẵn sàng ly dị chồng để đến với anh ta thì lý trí của Chấn Bảo lại thật đúng lúc trỗi dậy. Anh ta đột nhiên nhớ tới người mẹ đã tần tảo nuôi anh ta ăn học, nhưng rồi sau này cũng lại là anh ta muốn mẹ mình phải vỗ vai khen ngợi cho sự hết lòng hiếu thảo của bản thân. Thật là một người con có hiếu!

Bỏ lại hoa hồng đỏ với tình yêu nồng cháy mãnh liệt, Chấn Bảo chọn yên bề gia thất bên bông hồng trắng Mạnh Yến Ly. Yến Ly đúng nghĩ là một bình hoa di dộng, để người đời nhìn vào mà ngưỡng mộ Chấn Bảo: con nhà (từng) danh giá, học hành tàng tàng, cao gầy thẳng đuộc từ trên xuống dưới, liễu yếu đào tơ, nhu mì dịu dàng; nói chung là quá phù hợp để làm vợ, nhưng rất tiếc khó có thể trở thành người tình.

Không biết khi Chấn Bảo chửi Yến Ly là “đồ hạ lưu”, “bản thân quá thảm hại nên mới tìm một người còn thảm hại hơn”, anh có nghĩ đến cuộc tình vụng trộm khi xưa với Kiều Nhụy. Phải chăng hoa hồng đỏ của anh cũng bị chồng mình không coi ra gì nên mới phải tìm đến một kẻ thấp kém như anh? Thật nực cười làm sao.

Đến cuối cùng, khi đã quá mệt mỏi với lớp mặt nạ mình phải mang suốt nhiều năm qua, Chấn Bảo đã cho phép bản thân gỡ nó xuống trong chốc lát, để rồi ngày hôm sau, anh ta lại “cải tà quy chính”, tiếp tục để bọn muỗi mang tên “lương thiện” và “trách nhiệm” hút máu mình. Anh sẽ tiếp tục được người đời nể trọng, chút sự thông cảm và địa vị mà Yến Ly được bố thí cũng vì thế mà tan biến. Còn Kiều Nhụy, tác giả không nói rõ cô có thực sự sống hạnh phúc bên người chồng mới không, chỉ biết rằng chí ít cô cũng không trở thành vệt máu muỗi đầy thảm hại.


(Nguồn: https://mocmien1201.wordpress.com/2021/08/02/love-in-a-fallen-city-truong-ai-linh/)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến