Lỗ Tấn: Người soi đường cho dân tộc Trung Hoa
Ông chính là người khởi nguồn cho những tư tưởng tiến bộ của văn học giai đoạn này, xóa nhòa đi ranh giới giữa con đường đi lên của đất nước và quyền sống của người dân Trung Quốc.
Sau này ghi nhớ kỉ niệm thuở thiếu thời nên ông lấy bút danh Lỗ Tấn.
Ông là giáo sư của nhiều trường đại học, đồng thời cũng là linh hồn của nhiều tổ chức sinh viên yêu nước. Trong sáng tạo nghệ thuật và phê bình lý luận, Lỗ Tấn là người kiên trì bảo vệ những sáng tác thuộc nền văn học vô sản.
Viết văn không chỉ là một nghề nghiệp mà còn là tâm nguyện cả đời của Lỗ Tấn. Năm 1902, khi được cử sang Nhật Bản học, Lỗ Tấn chọn ngành y nhằm mục đích cứu người.
Nhưng về sau ông ý thức rõ căn bệnh tinh thần của dân tộc mới trầm kha hơn căn bệnh thể xác nên ông đã chuyển sang sáng tác văn học nhằm dùng ngòi bút lương y của mình để đẩy lùi căn bệnh thời đại.
Những năm ba mươi của thế kỉ XX, nhà văn Lỗ Tấn từng được đề cử làm ứng viên giải thưởng Nô-ben về văn học nhưng ông từ chối với lời tâm sự cùng bạn bè:
"Nếu lấy tiền thưởng rồi không viết được gì hay hơn thì thật xấu hổ; chi bằng cứ sống nghèo khổ không tiếng tăm gì nhưng nhàn tâm mà hơn”"
Lỗ Tấn không chỉ là nhà văn hóa lớn mà còn là nhà giáo dục lớn. Tư tưởng giáo dục quan trọng nhất của Lỗ Tấn là vấn đề lập nhân- xây dựng và đào tạo con người.Ông không có trước tác chuyên bàn về giáo dục nhưng trong các tác phẩm của Lỗ Tấn có rất nhiều ý kiến sâu sắc đã được các nhà nghiên cứu giáo dục sưu tập rồi sau đó hệ thống hóa thành những quan điểm khoa học rất có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, cụ thể.
Lỗ Tấn qua đời vào năm 1936 tại Thượng Hải. Tang lễ ông hết sức trọng thể và phủ trên quan tài ông lá cờ đề ba chữ “Dân tộc hồn” có nghĩa là linh hồn của Dân tộc. Đó là sự sùng bái của nhân dân Trung Quốc dành cho Lỗ Tấn đến tận cuối cuộc đời.
Tình yêu với văn chương và con đường dùng ngòi bút cảm hóa dân tộc của Lỗ Tấn
Lỗ Tấn nổi lên như một hiện tượng của văn học Trung Quốc sau gần hai thập kỷ chiến tranh và bạo loạn chặn đứng đường đi của các tác phẩm nghệ thuật. Những truyện ngắn nổi tiếng của ông phải kể đến Tết Đoan Ngọ, AQ chính truyện, Nhật ký người điên.Ban đầu vì học giỏi nên ông được cử sang Nhật du học ngành y. Nhưng rồi nhân một lần xem phim thời sự giữa giờ học, Lỗ Tấn thấy cảnh một người Trung Quốc bị quân Nhật trói ở giữa chuẩn bị xử chém, xung quanh là những kẻ đứng xem, người nào người nấy thân thể khỏe mạnh còn vẻ mặt thì thờ ơ mà không có lấy một chút thương xót.
Từ đó, ông nhận thấy học thuốc không còn là việc quan trọng vì dân mà còn ngu muội, hèn nhát thì dù thân thể có khoẻ mạnh, cường tráng cũng chỉ có thể làm thứ người mà người ta đem ra chém đầu thị chúng và trở thành loại người đứng xem vô vị như thế kia mà thôi.
Chính vì thế nên ông cho rằng điều trước tiên là phải biến đổi tinh thần họ. Và theo ông để làm điều đó không gì hiệu quả bằng văn nghệ nên cuối cùng ông theo nghề viết văn để thức tỉnh quốc dân, đồng bào.
Tình yêu ấy đan cài với tình yêu văn chương, nó đã đi theo suốt cuộc đời và ăn sâu vào trái tim Lỗ Tấn. Thật không ngoa khi nói rằng đất nước và dân tộc chính là khởi nguồn của tình yêu văn học trong ông.
Truyện ngắn Thuốc và căn bệnh nguy cấp nhất cần chữa trị chính là căn bệnh ấu trĩ lạc hậu của dân tộc
Đỉnh cao sự nghiệp văn học của Lỗ Tấn là khi ông phát hiện ra được chân lý của xã hội đương thời đó là chính sự ngu dốt lạc hậu của người dân đã ăn mòn sự sống của đất nước này.Những tác phẩm của Lỗ Tấn thường nói về những nghịch lý ghê sợ của dân tộc Trung Hoa thời bấy giờ. Đó là một không gian u mê tăm tối giống như thời cổ đại. Quan hệ giữa con người với con người là quan hệ ăn thịt nhau. Chú vì lợi ích trước mắt mà bán cháu lấy tiền thưởng, người làng vì ngu muội mà uống cả máu nhau.
Cùng chủ đề này, truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn viết năm 1919, đây là thời điểm diễn ra cuộc vận động Ngũ Tứ- Phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ của học sinh, sinh viên Bắc Kinh bùng nổ.
Câu chuyện được kể về những người dân quê mê muội trong một vùng quê u ám tù đọng lạc hậu. Trên cơ sở cảm nhận ánh sáng cách mạng của phong trào này, Lỗ Tấn viết truyện ngắn Thuốc với kỳ vọng giải thiêng nỗi mê muội cho dân tộc mình.
Hình ảnh quần chúng dưới ngòi bút Lỗ Tấn là một đám đông dốt nát mê muội: Buổi sáng sớm, ở pháp trường, lão Hoa đi mua bánh bao tẩm máu tử tù về chữa bệnh cho con thì bị một đám đông xô đẩy nhau ào ào, chen bật lão suýt ngã.
Đó là những người đi xem hành hình nhà cách mạng Hạ Du. Họ là những kẻ u mê, thiếu sự hiểu biết và thái độ tiêu cực của họ về những vấn đề của đất nước, về bệnh tật, về cuộc đời.
“Ngủ quên trong một cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”
Truyện Thuốc của Lỗ Tấn ẩn tàng nhiều lớp nghĩa sâu sắc và nén nhiều tình tiết, hình ảnh trưud tượng. Những yếu tố nghệ thuật này đã góp phần tạo ra sự bùng nổ của chủ đề tư tưởng mà ông muốn truyền tải thông qua tác phẩm.
Lỗ Tấn đã đau nỗi đau của dân tộc Trung Hoa thời cận đại khi mà nhân dân thì mê muội còn người cách mạng thì “bôn ba trong chốn quạnh hiu”. Cuối cùng ông đi đến quyết định: chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần cho quốc dân Trung Hoa.
Một trong những niềm suy tư lớn nhất cuộc đời cầm bút của Lỗ Tấn là niềm hy vọng đến tột cùng vào những đốm sáng lương thiện trong tâm hồn con người, ông luôn tin rằng hoàn cảnh đã khiến con người ta tha hóa nhân tính và chỉ cần làm cho đời sống tốt đẹp lên chắc chắn con người sẽ hoàn lương.
“Đã gọi là hi vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.”
Ông đã so sánh niềm hy vọng giống như con đường trên mặt đất. Nó như lối mòn trong đời sống con người còn niềm hy vọng chính là ánh sáng soi đường và dẫn lối con người đến những khát vọng tốt đẹp, những mảnh đời tươi sáng hơn.
Dù Lỗ Tấn viết nhiều về những hủ tục, những sự ấu trĩ của người dân Trung Hoa thời bấy giờ nhưng niềm hy vọng khiến ông không dùng những lời lẽ đắng chát, chua cay mà câu văn bao giờ cũng êm ái như nói về một điều gì đấy rất nhẹ nhàng.
Người ta vẫn nói Lỗ Tấn là thầy thuốc tâm hồn vĩ đại của nhân dân Trung Hoa, nhưng có lẽ tầm ảnh hưởng của ông đã lan rộng ra toàn Châu Á. Và trong phạm vi đất nước Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Những lối đi sai lầm của người dân Trung Quốc một thời chính là những điều mà người dân Việt Nam cũng đã từng đi vào vết xe đổ ấy và những áng văn của Lỗ Tấn lại một lần nữa làm chúng ta ngộ ra nhiều điều.
Chúng ta đọc văn Lỗ Tấn để biết yêu thêm cuộc đời này để biết làm đẹp hơn tâm hồn mình, thanh lọc trái tim bằng những điều tốt đẹp và cũng để lưu giữ mãi mãi trong nền văn học nhân loại một cái tên suốt đời viết cho hy vọng của con người.
Nhận xét
Đăng nhận xét